Trúc bụng phật: đặc điểm, ý nghĩa phong thủy, cách trồng và chăm sóc

Cây trúc bụng phật

Trúc bụng phật hay còn được gọi là trúc phật bà, trúc quan âm, trúc đùi gà,… là một loại trúc chủ yếu được trồng làm cảnh, trang trí cảnh quan sân vườn. Trúc bụng phật chứa đựng những giá trị tích cực, tiềm ẩn sự phú quý cát tường mang ý nghĩa phong thủy rất tốt. Hãy cùng tìm hiểu về đặc điểm, ý nghĩa phong thủy, cách trồng và chăm sóc cây trúc quan âm như thế nào nhé!

Đặc điểm hình thái

Trúc bụng phật có tên khoa học là Bambusa ventricosa, là một loại cây thuộc họ Hòa thảo. Thân cây mọc thành từng cụm, cao từ 1 – 3m, đường kính thân 1-4cm. Thân cây nhấp nhô lượn sóng do các lóng thu nhỏ ở trên và phình lên ở dưới nhìn giống như bụng phật. Lóng dài 1.5cm – 5cm, vòng đốt hơi nhô cao, thân màu lục thẫm, dần ngả sang màu hơi vàng khi già.

Lá có phiến hình mác, dài 12cm – 21cm, đường kính từ 1cm – 4cm, nhọn đầu, gốc tròn hay hình tim. Mo thân có tai phát triển, lá mo hình mác, đầu nhọn, gốc hình tim. Mùa măng từ tháng 5 tới tháng 7. Tái sinh bằng thân rễ, loại này rất hiếm khi ra hoa, chưa gặp cá thể ra hoa.

Đặc điểm trúc bụng phật
Đặc điểm trúc bụng phật

Phân bố

Trúc bụng phật thích hợp với các vùng trung du và đồng bằng. Ở nước ta, loại cây này được trồng nhiều tại Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Huế. Trúc đùi gà cũng được tìm thấy ở một số nước châu á như Trung Quốc, Malaysia.

Ứng dụng của cây trúc bụng phật

Trúc đùi gà có dáng rất đẹp và không quá to lớn nên chủ yếu được trồng làm cảnh. Thiết kế trang trí cảnh quan sân vườn, trồng làm hàng rào,… Thân cây có thể dùng làm gậy chống cho người già. Lá non có thể dùng để làm thuốc chữa bệnh. Lá non có vị hơi đắng, ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt trừ phiền. Được dùng trị trẻ em bực bội nóng nảy không ngủ.

Cây trúc bụng phật có vẻ bề ngoài rất đẹp nên rất được ưa chuộng trồng làm cảnh ở khắp mọi nơi. Từ những nơi công cộng như công viên, cho tới những nơi linh thiêng như đình, chùa, miếu,… Loài cây này có sức sốc mánh liệt, ít rụng lá nên không tốn công quét dọn vệ sinh. Lại có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt. Rất thích hợp làm cảnh quan trang trí cho quán cafe, quán ăn, nhà hàng, khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng, biệt thự,…

Ứng dụng trúc bụng phật
Ứng dụng trúc bụng phật

Ý nghĩa phong thủy của cây trúc bụng phật

Cây trúc bụng phật mang ý nghĩa tốt lành đúng như cái tên gọi là trúc quan âm, trúc phật bà, chỉ cần nghe cái tên đã có cảm giác bình yên và điềm lành rồi. Cây còn mang ý nghĩa đại phú đại quý, rất thích hợp dùng để làm quà tặng bạn bè, người thân, khai trương cửa hàng. Ngoài ra cây còn mang ý nghĩa cầu sức khỏe và trường thọ, bởi sinh khí của cây rất mạnh, lá tươi tốt quanh năm.

>> Xem thêm: 3 Loại tre trúc quý hiếm tại Việt Nam có nguy cơ bị tiêu diệt

Cách trồng và chăm sóc

Cách trồng

Trúc bụng phật thường được trồng thành hàng hoặc từng cụm. Cây dễ sống, ít tốn công chăm sóc, thích hợp với nhiều loại thổ nhưỡng khác nhau. Đặc biệt cây ưa sáng và có nhu cầu nước trung bình. Nhân giống trúc bụng phật bằng cách tách bụi. Mỗi bụi tách với số lượng cây vừa phải để không ảnh hưởng tới bộ rễ của cây.

Sau khi tách bụi tiến hành trồng vào những bầu đất và đặc trong chỗ râm mát, lưu ý tưới nước thường xuyên. Sau khoảng thời gian một tháng khi bộ rễ bắt đầu phát triển thì có thể đem ra trồng lên chậu hoặc trồng trực tiếp dưới đất. Nên chọn loại chậu trồng phù hợp có thể thoát nước tốt, đất trồng tơi xốp và thoáng khí, giữ ẩm tốt.

Cách trồng và chăm sóc trúc bụng phật
Cách trồng và chăm sóc trúc bụng phật

>> Xem thêm: Cây trúc vàng: đặc điểm, nguồn gốc, ý nghĩa, ứng dụng và cách trồng

Chăm sóc

Nếu cây trồng chậu tại những vị trí không có ánh sáng nhiều thì nên đưa cây ra ánh sáng 2-3 lần/ 1 tuần. Tốt nhất là nắng buổi sáng và nắng buổi chiều, tránh nắng gắt buổi trưa. Thời gian phơi nắng thì không nên tưới nước. Tới nước lúc sáng sớm hoặc chiều mát là tốt nhất. Mục đích đem cây ra ánh sáng mặt trời giúp cây khỏe hơn, ít sâu bệnh và màu sắc của thân và lá cũng đẹp hơn.

Sau khi bộ rễ cây đã phát triển tốt thì không cần phải tốn nhiều công chăm sóc nữa. Vì trúc bụng phật là cây có sức sống rất mãnh liệt, hiếm khi bị sâu bệnh hoặc bị chết. Chỉ cần tưới nước giữ ẩm cho cây và bón phân 2-3 lần/ 1 năm. Chọn các loại phân hữu cơ hoặc phân chuồng oai mục để cung cấp dinh dưỡng cho cây mà không làm bạc màu đất.

Trên đây là chia sẻ của Tre Trúc Huy Hoàng những thông tin về cây trúc bụng phật. Một loại cây cảnh có ngoại hình đẹp, dễ trồng, dễ chăm sóc mà lại mang một ý nghĩa phong thủy cực tốt. Hy vọng những thông tin là hữu ích dành cho quý độc giả đang cần tìm hiểu những thông tin về loại cây này.

Bình chọn