Cây tre gai – Tìm hiểu về đặc điểm và công dụng của tre gai

Cây tre gai

Cây tre gai hay còn gọi là tre nghệ, tre mỡ, tre lộc ngộc, tre may, tre hóa, tre la ngà, la ngà Nam Bộ (danh pháp: Bambusa bambos) là một loài thực vật có hoa trong họ Hòa thảo. Tre gai là một trong những đặc sản trong các loài tre Việt Nam. Đây là loại cây vô cũng thân thuộc đối với người Việt. Loại cây này có sức sống vô cùng mãnh liệt, lại được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực trong đời sống của chúng ta hiện nay. Để hiểu hơn về đặc điểm, giá trị sử dụng, cũng như kỹ thuật trồng cây tre gai, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi.

Đặc điểm cây tre gai

Thân cây tre gai

Thân ngầm của cây tre gai mọc cụm, đây là cách phát triển điển hình của loại cây này. Thân cây có dạng hợp trục, được chia làm 2 phần bao gồm: cổ thân ngầm và thân.

Thân ngầm tre mọc tản bò lan trong đất. Bởi vì măng mọc ra từ thân, cho nên các thân khí sinh tre không cụm lại, mà chúng được phân bố thưa trên đám rừng.

Thân khí sinh gồm có phần gốc thân và thân. Phần thân tre ở trên mặt đất có thể cao từ 1 – 20 m với đường kính từ 1 – 25 cm. 

Thân tre có thể được dùng làm vũ khí hay vật liệu xây dựng, chúng được ví là “thép xanh” trong thời đại mới, giúp thay thế rất nhiều nguyên vật liệu khác hiện nay.

cây tre gai
cây tre gai

Cành

Cành của cây thường được chia từ rất sớm, các đốt dưới gốc thường 1 cành, các cành nhỏ biến thanh gai cong, cứng, nhọn, đan chéo nhau tạo thành bụi tre gai dày đặc. Các đốt phần giữa thân có 3 cành, cành chính to, dài hơn cành bên.

Lá chính là cơ quan quang hợp của cây tre. Lá tre có đặc điểm như sau:

  • Lá tre không có lông tơ.
  • Lá cây có 2 phần: Bẹ lá, phiến lá.
  • Phần bẹ lá thường dài, có hình lòng máng được gắn chặt vào cành từ phần nối giữa bẹ và phiến lá là cuống lá. Cuống lá ngắn, ngoài ra còn có tai lá, lưỡi lá.
  • Phiến lá có 3 -5 đôi gân lá song song với nhau.

Mo

Bẹ mo của cây tre gai rụng khá muộn, có hình thang, đầu hình cung rộng hay lõm xuống, 2 vai có mũi nhọn hơi nhô cao. Phần tai mo có hình bán nguyệt, gần bằng nhau, lật ra ngoài phần mép có lông mi cong.

Lưỡi mo cao 4¬5mm, xẻ mạnh, mép có lông mi, phần mặt lưng phủ dày lông gai màu nâu tối, mặt trong nhẵn. Lá mo hình trứng hoặc trứng thuôn, đầu có mũi nhọn, thường lật ra ngoài, hai mặt đều có lông cứng.

Hoa

Hoa tre có khi tre đạt tuổi trưởng thành, hoa có dạng bông màu vàng nhạt, có 3 hoặc 6 nhị, chỉ nhị dài, đầu mang 2 bao phấn, nhị hoa mang bao phấn màu vàng tươi. Sau khi hoa tàn sẽ hình thành quả, quả của tre thường nhỏ chỉ bằng hạt thóc.

Cây tre gai phân bố ở đâu?

Tre hiện có khoảng 1000 loài, được phân bố chủ yếu ở các nước nhiệt đới và á nhiệt đới. Ở Việt Nam, Tre gai phân bố khắp mọi miền, từ Hà Giang đến Kiên Giang, Cà Mau. Mọi nơi trên mảnh đất hình chữ S đều có sự hiện diện của tre, tuy nhiên tập trung nhiều nhất là ở các vùng Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ.

Công dụng của cây tre gai

Tre gai sởi hữu rất nhiều giá trị, chúng ta có thể điểm qua một số giá trị sau đây:  

  • Dùng để làm hàng rào tre bảo vệ: giúp chống gia súc, chống gió bão, tre được trồng nhiều ở ven bờ nước để nhằm chống sóng, chống sạt lở.
  • Thân tre: dùng nhiều để đóng cọc móng trong xây dựng nhà cửa, cầu cống,… Thân tre còn được dùng để đan rổ, rá, cót tre, liếp tre, đóng bàn ghế, làm đồ dùng nông nghiệp, sản xuất hàng mỹ nghệ, bột giấy. Ống tre tươi dùng để nướng gà, nướng thịt,…
  • Nhiều bộ phận của cây tre gai được sử dụng để làm thuốc như: tinh tre, nước tre non, lá tre. Lá tre có tác dụng chữa cảm sốt, ra nhiều mồ hôi, ho, suyễn, thổ huyết,… Măng tre có tác dụng chữa sốt cao, giã nát ép lấy nước uống cùng với nước gừng. 
  • Măng tre được dùng để ăn. Đây được xem là món ăn được nhiều người vô cùng yêu thích hiện nay. 

Kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác tre gai

Bụi cây tre gai
Bụi cây tre gai

Gây trồng

Tre gai có thể gây trồng bằng hom gốc, hom thân, hom cành và nuôi cấy mô. Ở nước ta tre chủ yếu được trồng bằng gốc và một đoạn thân khí sinh dài khoảng 40-60cm. Tre gai có thể trồng ở rất nhiều vùng khác nhau, vùng trồng tre thích hợp nhất là ở ven sông suối, quanh bản làng, trên đất phù sa hoặc chân và sườn đồi có đất bồi tụ.

Tre được trồng với cự ly cây 10m (khoảng 100-150 búi/ha). Thời vụ trồng tốt nhất là đầu mùa xuân (tháng 2-3) hoặc vào vụ thu (tháng 8-10). Khi trồng xong, bạn phải ủ gốc.

Kinh nghiệm trồng tre gai ở Lạng Sơn rất đơn giản: cuối mùa xuân, đầu mùa hè, đào gốc cây tre bánh tẻ, cả củ và một đoạn thân tre khí sinh dài 1-1,5m để trồng. Giống khi lấy có thể trồng ngay, hoặc ngâm nước 1-2 đêm. Để giữ độ ẩm cho cây giống, bạn cần cần đục thủng màng ngăn 2-3 lóng thân, sau đó đổ đầy nước, lấy rơm có trộn bùn ao để đắp lên trên ống tre.

Hố trước khi trồng cần phải đào sâu 40-50cm, miệng rộng 30-40cm, đặt cây giống nghiêng một góc góc 40-600, sau đó lấp đất mặt. Dùng chân để dậm chặt gốc. Lấp đầy hố và gốc cây trồng bằng đất mùn. Bạn có thể trộn đất phù sa, mùn hoặc phân chuồng hoai với đất để cây sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo tỷ lệ sống gần 100%.

Chăm sóc

Trong 2 năm đầu chúng ta còn phải thực hiện chăm sóc cây cẩn thận, cần làm cỏ nếu như có nhiều cỏ. Khi vừa trồng, nếu thời tiết quá khô hạn, bạn cần phải tưới cho cây. Cây tre gai trồng trên nền đất xấu phải bón phân NPK theo tỷ lệ: 20-30kg N, 10-15kg P, 10-15kg K và 20-30kg Silic. Thực hiện bón 2 lần: 1 tháng và 4 tháng sau khi trồng. 

Đồng thời, thực hiện tỉa bớt các cành có gai ở gốc, chặt bỏ các thân già để giúp cho bụi tre tăng trưởng tốt nhất.

Về sâu bệnh, tre gai thường ít sâu bệnh. Tại nước ta thường xảy ra tình trạng  châu chấu ăn lá tre và sâu cuốn màng làm hại các lá non. Khi trồng, cần chú ý các loài thú đến ăn măng non. Khi thu hoạch thân tre cần chú ý các loại côn trùng cánh cứng, mối.

Khai thác

Chúng ta có thể khai thác tre sau khi trồng được 4 năm, dân ta thường khai thác theo 2 cách:

  • Chặt thường xuyên không theo định kỳ: phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng hoặc chặt để bán với số lượng ít
  • Chặt theo luân kỳ 4-5 năm hoặc 5-10 năm: cách này là chặt trắng, chỉ chừa lại các thân non dưới 3 tuổi. Chặt xong sẽ đổ bùn để sau 5-10 năm có thể tiếp tục khai thác.

Tre thường chặt vào mùa khô để hàm lượng nước thấp, đỡ mối mọt. Đối với hàng thủ công, cần khai thác các cây tre 1 tuổi. Với nhu cầu dùng trong xây dựng, cần chọn những cây tre 3 tuổi, chặt ở độ cao sát mặt đất. 

Để bảo đảm thu hoạch lâu dài, số thân chặt không vượt 60% số cây trưởng thành trong bụi. Để thuận tiện cho thu hoạch, bạn có thể phạt hết các cành gai mọc thấp trước khi tiến hành chặt các cây trong bụi.

Về nhu cầu khai thác măng tre:

Măng tre sẽ được thu hoạch vào mùa mưa, 7-15 ngày sau khi nhú khỏi mặt đất. Mỗi năm, măng tre có thể thu 6-7 măng trong một bụi. Thông thường cuối tháng 5, đầu tháng 6 cây bắt đầu ra măng, mùa măng kéo dài đến tháng 10-11.

Măng khi thu hoạch cần được sơ chế và bảo quản để sử dụng được lâu dài và bán được giá với chất lượng tốt.

Lời kết

Có thể thấy được rằng, cây tre gai có giá trị kinh tế vô cùng cao. Hy vọng với những thông tin của Tre Trúc Huy Hoàng chia sẻ trên đây về đặc điểm, công dụng, cũng như kỹ thuật trồng tre đạt hiệu quả cao sẽ thật sự hữu ích đối với những ai đang có nhu cầu trồng loại cây này.

5/5 - (1 bình chọn)